September 2, 2008

7 tư thế Yoga dễ tập


Ảnh: jupiterimages.com
Rất nhiều động tác Yoga cần có sự hướng dẫn của chuyên gia. Tuy nhiên, có không ít động tác đơn giản mà mọi người đều có thể thực hiện để lấy lại sự cân bằng và hòa hợp giữa thể xác và tinh thần, khắc chế stress.





Thế trái núi với các ngón tay đan xen vào nhau

Chuẩn bị: Đứng thẳng trên sàn nhà hoặc mặt ván bằng phẳng, hai bàn chân sát nhau, hai bàn tay buông dọc hai bên thân.

Động tác: Bám chặt hai bàn chân trên sàn, thót bụng vào, kéo giãn hai chân và thân người về phía trên. Nâng xương ức và mở rộng lồng ngực. Đưa hai cánh tay thẳng ra phía trước, các ngón tay đan nhau. Thở ra trong khi xoay hai bàn tay đan nhau từ trong ra ngoài và duỗi thẳng hai cánh tay về phía trước mặt. Từ từ hít vào trong khi nâng dần hai cánh tay lên phía trên, khỏi đầu, cho đến khi hai cánh tay thẳng và sóng dọc theo thân mình, tức vuông góc với mặt sàn. Duỗi thẳng hai cánh tay, hai khuỷu tay thẳng. Giữ nguyên tư thế này khoảng 20 giây. Từ từ thở ra trong khi buông lỏng toàn thân và đưa hai cánh tay trở về vị trí ban đầu.


Tác dụng: Kéo giãn cột sống, chống vẹo thoái hóa cột sống và các chứng tê mỏi ở vùng vai, cánh tay, cổ tay, hớp gối. Ngoàira, việc thực hành tư thế này ở đầu mỗi buổi tập có thể xem là việc để làm nóng người và kéo giãn các khớp, chuẩn bị cho các tư thế tiếp theo.


Thế rắn hổ mang

Chuẩn bị: Nằm sấp trên sàn, hai bàn tay úp xuống ở khoảng hai vai, các ngón tay hướng lên phía trên.


Động tác: Hít vào, sức nặng tựa trên hai bàn
tay, từ từ nâng đầu và ngực lên, đầu ngửa lên trần nhà, cằm nhô ra phía trước. Trong tư thế này, phần cơ thể từ rốn tới chân luôn luôn chạm mặt sàn. Khi đã hít vào tối đa cũng là lúc hai khuỷu tay thẳng lên. Giữ nguyên tư thế này từ 10-20 giây. Thở ra trong khi từ từ buông lỏng hai cánh tay, thân mình trở lại vị trí ban đầu.

Tác dụng: Giúp cho xương sống dẻo dai, làm
săn chắc cơ bụng, kích thích tiêu hóa, tăng cường sự lưu thông khí huyết ở vùng
lưng, hông, cổ và những vị trí mà sinh hoạt hàng ngày khó ảnh hướng đến như ruột,
gan, lách, phổi.

Thế bánh xe

Chuẩn bị: Nằm ngửa trên sàn nhà. Co cả hai đầu gối và kéo hai bàn chân lại sát mông. Gấp khuỷu tay lại, đặt hai bàn tay ở hai bên đầu, lòng bàn tay úp xuống, ngón tay hướng xuống dưới dọc theo thân mình.Động tác: Hít vào thật sâu trong khi từ từ nâng thân mình lên, sức nặng tựa trên hai bàn tay và hai bàn chân, giãn thẳng cánh tay và khuỷu tay, ngửa đầu ra phía sau, ưỡn ngực và đẩy cột sống lên cao. Giữ nguyên tư thế này vài giây trước khi từ từ thở ra, buông lỏng thân người và trở về tư thế ban đầu.


Tác dụng: Giúp căng giãn và làm mềm dẻo cột sống; kích thích các tuyến yên, tuyến tùng và tuyến giáp; tăng cường sức mạnh cho các cơ quan vùng xương chậu, bụng và vùng ngực; gia tăng chức năng hấp thu và tiêu hóa. Tư thế này cũng thúc đẩy sự lưu thông khí huyết đến các cơ quan và ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Tuy nhiên ở động tác này, vị trí đầu thấp hơn tim nên những người có huyết áp cao hoặc đang bị các chứng nhức đầu không nên tập.

Thế căng giãn lưng

Chuẩn bị: Ngồi thẳng lưng, hai chân duỗi

thẳng. Hai bàn chân đặt sát cạnh nhau.

Động tác: Thở ra trong khi từ từ khom người cúi xuống cho tới khi đầu chạm gối, hai đầu gối vẫn thẳng, hai đùi vẫn ép sát xuống sàn, hai cánh tay đưa thẳng ra tối đa và cố chạm vào bàn chân. Có thể dùng hai bàn tay nắm lấy hai cổ chân hoặc đan chéo hai bàn tay ôm lấy hai bàn chân để dễ gập người lại. Giữ yên ở tư thế này từ 10-20 giây. Hít vào, nhấc đầu và thân mình lên, từ từ buông lỏng hai bàn tay, buông lỏng toàn thân, trở về tư thế ban

đầu.

Tác dụng: Giúp kéo giãn cột sống và các cơ vùng lưng, vùng vai; cho phép sinh lực tuôn tràn đến từng bộ phận, giải tỏa áp lực lên hệ thống thần kinh dọc theo hai bên tủy sống. Tư thế cũng có tác dụng xoa dịu tuyến thượng thận, tăng cường hoạt động của bộ máy sinh dục và bài tiết, thúc đẩy chức năng của gan và cải thiện tiêu hóa. Đặc biệt, động tác gập mình về phía trước có công năng giải tỏa những ứ trệ ở các đốt sống thắt lưng và hoạt hóa Luân xa 3. Các đốt sống thắt lưng là nơi dễ bị vôi hóa nhất. Dưới đốt sống thắt lưng thứ hai là Luân xa 3, còn được gọi là Luân xa sức khỏe vì nó kiểm soát toàn bộ hoạt động của dạ dày, gan, túi mật, tụy tạng và cả hệ thần kinh. Do đó, thực hành tốt tư thế này có ý nghĩa rất quan trọng cho việc phòng và chữa bệnh.

Thế vặn cột sống

Chuẩn bị: Ngồi trên sàn, hai chân thẳng ra.

Động tác: Gấp chân trái lại, đặt gót chân áp
sát vào mông phải. Gấp chân phải lại, đặt bàn chân phải phía ngoài đầu gối trái. Đầu gối phải sát dưới nách trái. Hít vào trong khi duỗi tay trái ra để nắm được cổ chân phải hoặc các ngón chân phải. Từ từ quay mạnh tay phải về phía sau lưng, đồng thời thân mình quay 1/4 vòng về bên phải, bàn tay phải tựa xuống sàn. Giữ nguyên tư thế này khoảng 10 giây trước khi thở ra và từ từ buông lỏng toàn thân để trở về tư thế ban đầu. Tập lại động tác này lần nữa theo chiều ngược lại.

Tác dụng: Làm mềm dẻo cột sống, có tác dụng tốt cho những dây thần kinh dọc 2 bên cột sống và những bắp thịt ở vùng bụng, vùng thắt lưng.



Thế xác chết

Chuẩn bị: Nằm thoải mái trên sàn nhà hoặc trên ván qua một lớp chăn mỏng. Nới lỏng quần áo. Hai tay để tự nhiên dọc bên thân hoặc hai bàn tay chồng lên nhau và úp trên bụng. Có thể đắp thêm một lớp chăn mỏng trên người nếu cảm thấy lạnh.Động tác: Với tư thế này,

một số tài liệu Yoga khuyên hít thở sâu và thực hành buông lỏng toàn thân và từng bộ phận cơ thể theo một thứ tự nhất định từ đầu xuống chân, hoặc từ chân lên đầu. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm riêng của tác giả, để đơn giản và dễ thực hành, người tập không nhất thiết phải thở sâu và kiểm soát buông lỏng từng bộ phận. Mục đích của tư thế là thư giãn toàn diện. Do đó, nếu thở sâu, người tập sẽ cần đến sự cố gắng về mặt ý thức và sự căng cơ thực tế ở vùng bụng. Cả hai điều này đều không có lợi cho yêu cầu thư giãn. Chỉ cần thở bình thường, nhưng lưu ý thở chậm nhẹ và đều ở thì thở ra là đủ. Thì thở ra là thì ức chế thần kinh. Sự kéo dài thì thở ra một cách chậm và đều sẽ gây hiệu ứng thư giãn tốt. Về thực hành thư giãn cơ bắp, sẽ dễ dàng cho người mới tập nếu chỉ ám thị chung thư giãn
toàn thân, và chỉ cần quan tâm giãn mềm cơ mặt hoặc cơ bàn tay, cơ bàn chân là đủ. Mặt, bàn tay hoặc bàn chân là những vùng phản xạ có đủ những điểm phản chiếu ứng với toàn bộ cơ thể, nên thư giãn được một vùng thì toàn thân sẽ thư giãn. Mặt khác, theo học thuyết Paplov, khi tập trung gây ức chế thần kinh, một vùng ở một điểm của vỏ não thì sự ức chế sẽ lan tỏa gây ức chế toàn bộ vỏ não. Tóm lại, công thức để thực hành tư thế xác chết là nằm thoải mái, hít thở điều hòa, thì thở ra chậm và dài. Trong khi thở ra, nhẩm ý nghĩ buông lỏng toàn thân, đặc biệt
buông lỏng hai bàn tay và hai bàn chân.

Tác dụng: Giúp giãn mềm cơ bắp và loại bỏ mọi tạp niệm, mọi cảm xúc. Trong điều kiện này, nhịp thở sẽ chậm lại, nhịp tim giảm xuống, thần kinh giao cảm sẽ tự điều hòa và cơ thể sẽ được tiếp thêm năng lượng để tăng cường sinh lực. Do đó tư thế này rất hữu ích cho những người bị rối loạn thần kinh giao cảm, dễ bị căng thẳng, cáu gắt, mất ngủ, cao huyết áp…

Trên thực tế, đối với người tập Yoga, sau khi thực hành những tư thế căng giãn tối đa, lúc nằm xuống, việc thư giãn sẽ tự đến rất dễ dàng.


Thế ngồi hoa sen

Chuẩn bị: Quần áo nới lỏng. Ngồi xếp bằng tự nhiên.

Động tác: Dùng hai bàn tay nắm lấy bàn chân trái đặt lên đùi phải, gót chân áp sát bụng. Kế tiếp dùng hai bàn tay nắm lấy cổ chân phải và đặt chân phải lên đùi trái, kéo nhẹ gót chân áp sát bụng. Lưng thẳng, buông lỏng phần vai, hai mắt khép hờ, đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên. Hai bàn tay đặt trên hai đầu gối, hai lòng bàn tay ngửa lên trời, đầu ngón tay cái chạm đầu ngón tay trỏ. Hai bàn tay cũng có thể đan xen vào nhau đặt trước bụng dưới, hai đầu ngón tay cái chạm nhau. Giữ yên tư thế và bất động. Tập trung tư tưởng vào bên trong, quan sát hơi thở vào và ra hoặc quan sát sự di chuyển của những dòng năng lượng trong cơ thể cũng như sự đến và đi của những cảm xúc, những tư tưởng đang diễn ra… Thời gian không giới hạn. Nếu chỉ nhằm mục đích thể dục thông thường hoặc để giải tỏa stress thì chỉ cần thực hành khoảng 10 phút mỗi lần.

Tác dụng: Tư thế này có thể cải thiện tuần hoàn huyết ở vùng xương chậu, khớp háng, khớp gối và hai chân. Đặc biệt thế hoa sen có tác dụng điều hòa cảm xúc, làm êm dịu thần kinh và giúp dễ tập trung tư tưởng. Do đó, đây là thế ngồi thuận tiện nhất cho việc thiền định. “Thiên nhân hợp nhất” hay sự hòa hợp giữa “cái tôi” và cái vô cùng của vũ trụ trong triết học phương Đông.

Theo Sức Khoẻ & Đời Sống

Bốn động tác yoga giúp giảm mỏi mệt vùng lưng

Bạn là nhân viên văn phòng? Dù cả ngày chỉ ngồi làm việc trong ghế đệm êm ái, bạn vẫn cảm thấy lưng, vai nhức mỏi khiến đôi khi phải tự hỏi phải chăng tuổi già đang sớm đến với mình. Các động tác yoga thư giãn sẽ giúp bạn tìm lại sự thoải mái cho vùng cơ lưng.
Chuẩn bị: Ngồi theo tư thế hoa sen, thư giãn tinh thần và tập trung tất cả sự chú ý vào quá trình hít thở.

Động tác 1: Kiểu tư thế mèo

Những vị trí được thư giãn: Vùng lưng, bả vai và bắp thịt hai cánh tay, giúp giảm bớt cảm giác mệt mỏi ở lưng và vùng bả vai.

Cách thực hiện: Quỳ hai gối thẳng góc với mặt sàn, đầu gối và tay đều chống xuống đất, lòng bàn tay và gối tiếp xúc sàn. Hít thở, ngực thẳng, ngẩng đầu lên trên, cổ vươn ra phía trước, mắt nhìn hướng lên trên, đồng thời cố hạ lưng xuống.

Động tác 2: Kiểu mèo vươn người

Những vị trí được thư giãn: Các dây thần kinh vùng lưng, khiến cột sống được kéo giãn, mềm hóa và uyển chuyển.

Cách thực hiện: Tư thế giống động tác 1, sau đó từ từ giơ tay phải hướng về phía trước chếch lên trên, đồng thời chân trái hướng ra phía sau. Tạo tư thế thẳng và cân bằng với mặt sàn, giữ nguyên tư thế này càng lâu càng tốt. Sau đó đổi bên tay và chân. Lặp lại vài lần.

Động tác 3: Kiểu rắn

Những vị trí được thư giãn: Toàn bộ cột sống và vùng cơ lưng bị mỏi mệt.

Cách thực hiện: Nằm sấp người từ eo trở xuống, hai chân đặt song song với nhau, mặt bàn chân tiếp xúc với mặt sàn. Hít thở nhịp nhàng, ngẩng cao đầu, cố gắng đưa nửa thân trước cao hết mức, mắt hướng lên trên. Giữ yên tư thế này và thực hiện khoảng 2-3 nhịp hít thở sâu.

Động tác 4: Kiểu cát tường

Những vùng được thư giãn: Giảm mệt mỏi và căng thẳng cho vùng vai, lưng. Có tác dụng thư giãn rất hiệu quả cho những cơ bắp tổn thương ở vùng lưng và vùng quanh vai.

Cách thực hiện: Ngồi xếp bằng thoải mái, thở ra, toàn thân gập về phía trước, để trán chạm mặt sàn, nhắm mắt, thư giãn hai vai. Hai cánh tay hướng thẳng về phía trước, giữ yên tư thế này trong vòng 1 phút. Hít vào, ngồi lại thế xếp bằng ban đầu. Thực hiện vài lần.

Chống mỏi lưng trong những hoạt động hàng ngày

Những nghiên cứu gần đây cho thấy sinh hoạt và lối sống ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Ví như khi thường xuyên làm việc với web hoặc xuống phố trên những đôi giày cao gót thì rất có thể bạn sẽ sớm gặp các vấn đề về lưng. Vậy phải làm thế nào?

Đừng quá nghiêm trang

“Một điệu bộ đúng không có nghĩa là đứng nghiêm như người lính bởi như thế vô hình chung đã tạo sức ép cho xương sống. Thay vào đó, hãy thả lỏng cơ thể với thế đứng vững vàng (không xoắn 2 chân vào nhau, 2 chân hơi cách nhau, thành hình chữ V). Khi phải đứng lâu, nên đặt một chân lên vật cao hơn một chút và thỉnh thoảng đổi chân", Th.S AthurWhite, nhà phẫu thuật cột sống đồng thời là tác giả cuốn Các quy tắc đi đứng bật mí.

Để tạo thành thói quen, bạn nên “để ý” đến dáng đứng của mình khi đang chờ đợi, nói chuyện hay khi đang trong thang máy…

Chú trọng tới bàn chân

Bàn chân bị uốn cong quá mức (đi giày cao gót) hay tiếp xúc quá nhiều với mặt đất (chân đất, đi giày bệt) cùng với một số yếu tố khác sẽ ngấm ngầm làm hỏng dáng đi của bạn và dẫn tới chứng đau lưng mãn tính.

Phụ nữ thuộc nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương với tỉ lệ bệnh tật có nguồn gốc từ đôi chân cao gấp 4 lần so với nam giới. Không gì khác, thủ phạm số 1 của tình trạng này chính là những đôi giày cao gót.

Các bác sỹ thống nhất rằng với những đôi giày đặt, đúng kích cỡ sẽ cải thiện được hầu hết các rắc rối kể trên.

Tất nhiên, bạn vẫn có thể đi giày cao gót trong các buổi họp hoặc các bữa tiệc nhưng để đi dạo, hãy chọn những đôi giày mềm và giúp bạn thoải mái (gót không cao quá 4cm và các kiểu giày xuồng không cao quá 5cm)

Đi bộ đúng cách

Các nghiên cứu chỉ ra rằng: đi bộ giúp giảm nhẹ các cơn đau lưng nhưng nếu dáng điệu không đúng thì đi bộ sẽ phản tác dụng. Ví như vác nặng một bên hoặc khom lưng khi đi bộ sẽ gây ra chứng đau lưng kinh niên.

Nhà vật lý trị liệu Shery Brouman (Los Angeles, Caliornia), một chuyên gia “chỉnh dáng” để chữa các vấn đề lưng khuyên: thả lỏng gối và chú ý vào việc “đánh” hông. Mông thả lỏng nhưng bụng lại thót vào (không quá chặt). Bước đi giống như khiêu vũ, tức là gót chân phía trước chạm vào mũi của của bàn chân phía sau, tập trung lắc xương sườn và xương chậu. Cố gắng để sao cho có cảm giác thăng bằng, không quá cứng nhắc và không tạo quá nhiều sức ép lên gót chân.

Mỗi ngày nên tập ít nhất 4 lần, mỗi lần 5 phút cho đến khi có được dáng điệu thật tự nhiên.

Tạo vẻ thanh thoát

Đôi khi bạn phải mang vác những thứ quá với sức lực của bản thân như cõng đứa trẻ chỉ mới biết đi hay vác một máy tính xách tay leo tầng và cả việc tham gia một số môn thể thao yêu thích... đều sẽ khiến các cơ bắp bị kéo căng quá mức.

Giải pháp tốt nhất là “sẻ việc” đều cho cả 2 vai và hông. Tức là khi phải vác vật gì đó trên vai hay ôm ngang hông, hãy chuyển chúng từ vai trái sang vai phải rồi lại chuyển sang vai trái… sau mỗi quãng đường hay khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, hãy cố gắng “ép” vật đang mang càng sát người càng tốt.

Năng vận động, ít ngồi yên

Nếu như phần lớn thời gian làm việc, “lướt” web và xem ti vi mỗi ngày chỉ là ngồi thì đó thực sự là kẻ thù của lưng.

Một nghiên cứu có tính bước ngoặt tại Thụy Điển cho thấy tư thế ngồi thẳng lưng sẽ giúp tăng cường sức chịu đựng của cột sống lên tới 140% so với đứng thẳng, còn ngồi thụm xuống là 185%.

Nguyên tắc ngồi đúng: Tạo thành một đường thằng từ đầu đến vai, từ vai đến hông, sao cho trọng tâm cơ thể rơi vào phần xương cụt. Hai bàn chân đặt trên sàn nhà với phần đầu gối gập vuông góc.

Tất nhiên là bạn không thể ngồi liên tục như vậy trong suốt cả ngày hay ít hơn là vài tiếng. Bạn nên đổi tư thế cứ sau 40 - 60 phút để ngăn ngừa cảm giác căng mỏi nhưng tốt nhất là đứng lên và vươn người, lắc cổ, bẻ cằm, gập lưng và vặn hông.

Cách chữa chứng đầy bụng khó tiêu

Đầy bụng tuy không nguy hiểm nhưng lại gây cho bạn một cảm giác thật khó chịu. Làm sao để “ loại trừ” chứng khó tiêu này? Các cách khắc phục sau đây cực kỳ đơn giản lại đạt hiệu quả cao.

Triệu chứng

Nguyên nhân của chứng đầy bụng là do rối loạn tiêu hoá, chủ yếu ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống. Thường có các biểu hiện sau.

- Trướng bụng: Bạn có cảm giác đầy bụng, đầy hơi rất khó chịu.

- Buồn nôn: Sau bữa ăn bạn cảm thấy buồn nôn và rất muốn nôn. Cảm giác buồn nôn cũng có thể đi kèm với triệu chứng hoa mắt chóng mặt. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp bạn nôn ra máu cần đi khám bác sĩ ngay.

- Ợ chua: ợ chua nhiều là một trong những dấu hiệu của chứng đầy bụng, khó tiêu.

- Ợ nóng: Có cảm giác nóng ở phần ngực.

Ứng phó

1. Ăn nhanh, ăn nhiều, nhai không kỹ hay ăn những loại thức ăn “ lạ”, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng đầy bụng, khó tiêu.

Để khắc phục, đơn giản hãy thay đổi thói quen ăn uống bằng việc nhai chậm, nhai kỹ và ăn vừa đủ no, không nên ăn quá no. Ngoài ra, bạn có thể chia nhỏ các bữa ăn (ăn thành nhiều bữa) để loại trừ việc dạ dày phải tiếp nhận hàm lượng axit quá cao trong thức ăn.

2. Nên uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ (chất xơ có nhiều trong rau xanh và trái cây) giúp hỗ trợ tiêu hoá.

3. Bên cạnh đó, những nhân tố như stress, uống rượu, hút thuốc hay mất ngủ cũng gây nên chứng đầy bụng.

4. Thêm vào đó, việc luyện tập đều đặn và thường xuyên cũng đem lại hiệu quả cao trong việc khắc phục chứng khó tiêu.

Lưu ý : Chứng khó tiêu có thể khắc phục bằng việc điều chình thói quen ăn uống. Tuy nhiên, bằng những biện pháp nói trên nếu không thể cải thiện tình hình, bạn cần được bác sĩ thăm khám, để biết chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.


Khó tiêu thành khó tính!

Bà Nguyễn Thị B., 47 tuổi, ở Bình Chánh, TP.HCM, than bà thường xuyên đau vùng trên rốn, không đau thì ăn xong cũng có cảm giác "lình bình", có lúc lại buồn nôn.

Bà đi soi bao tử, soi chán rồi chụp và đều không thấy tổn thương gì, lấy dịch vị tìm vi khuẩn cũng không thấy. Ông chồng đưa đi, đưa về nhiều lần tức khí còn bảo: "Bà không bệnh mà tôi phát bệnh vì cứ như xe ôm đứng hết cổng bệnh viện này đến bệnh viện khác. Mấy bà già rồi sinh bệnh giả đò để hành chồng hay muốn làm cái rốn của vũ trụ”.

Ông Trần Mạnh Th., 39 tuổi, không nhậu nhẹt, rượu bia gì nhưng cứ ăn xong là có cảm giác nóng rát sau xương ức, ói ra một ít nước chua. Ông đi hết "thầy" này đến "thầy" khác, cũng soi, cũng chụp, thuốc uống lúc đỡ lúc không. Cuối cùng ông bảo: "Tôi bỏ thí cái mạng mình cho rồi, ở nhà cũng mệt, gặp bác sĩ uống cả thùng thuốc cũng mệt".

Bệnh... kỳ cục

Từ lâu các bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa đã phải chữa trị những người bệnh như thế bằng thuốc kháng acid, men tiêu hóa, giảm co thắt. Có người triệu chứng đau dai dẳng mà không giải thích được đành phải xếp vào "hội chứng đau ám ảnh" của bệnh tâm thần. Có lúc họ đau quằn quại như đợt viêm dạ dày cấp rồi chỉ cần vài viên thuốc giảm đau, chống co thắt mọi chuyện lại êm ru, nhẹ hều. Bệnh gì mà kỳ cục vậy?

Tất cả triệu chứng kể trên được xếp vào "hội chứng khó tiêu" không do tổn thương thực thể. Tiêu chuẩn chẩn đoán khó tiêu được các nhà khoa học đề xuất tại cuộc hội thảo ở Rome năm 1991 gồm: đau hay cảm giác lình xình ở vùng thượng vị tái đi tái lại ít nhất một tháng với các triệu chứng xuất hiện trên 25% thời gian mà không có bằng chứng tổn thương thực thể nào.

Mọi chuyện vẫn còn rối rắm vì đau thượng vị là dấu hiệu của loét mà lại không có loét. Nóng rát sau xương ức lại rất giống viêm thực quản. Các dấu hiệu buồn nôn, lúc nào cũng có cảm giác no hoặc trướng bụng lại giống như rối loạn vận động dạ dày. Đôi khi người ta tìm thấy kẻ tội đồ là mật chảy xuống ruột nay lại chạy ngược vào dạ dày (gọi là hồi lưu mật) gây cảm giác rát, đầy khó chịu. Một số tác giả cho rằng có thể đây là triệu chứng nhiễm siêu vi trong dạ dày nhưng chưa có bằng chứng xác đáng.

Những năm gần đây, với sự phát hiện vi khuẩn Helicobacter pylori, các tác giả đưa ra gợi ý việc đầu tiên là lấy dịch vị soi và tìm H.pylori trước, bởi chúng là thủ phạm núp trong niêm mạc dạ dày đục khoét và gây rối. Ở VN với mức độ nhiễm H.pylori hơn 70% thì việc soi, tìm và diệt trở thành ưu tiên số một trong điều trị chứng khó tiêu. Ai đó bị thiếu men tiêu hóa đường lactose thì chỉ cần uống sữa sẽ được thưởng thức cảm giác khó tiêu như thế nào. Có người đau rát, có người sình bụng và có người buồn nôn hoặc nôn sau khi uống món thực phẩm có năng lượng cao này.

Bệnh "chạy" lên đầu

Người đau bụng thường xuyên sẽ bị căng thẳng tâm lý, lúc nào cũng cảm thấy bất an, trở nên khó tính, hay cáu bẳn và nếu không được quan tâm đúng mức sẽ tủi thân, cảm thấy như bị bỏ rơi và dẫn đến trầm cảm. Thế là từ bao tử tiết dịch kém một chút, cứ giãn nhiều hơn co hay tăng tiết acid một chút làm bệnh "chạy" lên... trên đầu để rồi "thầy" nội khoa chữa một tí, ông chuyên khoa tâm thần chữa một tí. Cả nhà và bản thân bệnh nhân chẳng hiểu mình đang mắc bệnh gì.

Thế thì bệnh có chữa được không? Có, nếu túm được thủ phạm là H.pylori. Còn không thì cứ đành cho thuốc chống co thắt, men tiêu hóa. Nếu bạn nào chẳng may bị thiếu men tiêu hóa đường lactose thì đành chia tay với món sữa, bằng không thì vừa uống vừa dùng men tiêu hóa đường lactose. Trong điều trị hội chứng khó tiêu chú ý đến yếu tố tâm lý, bởi bệnh có thể nặng hơn hay nhẹ đi nếu thầy thuốc quan tâm và có những lời động viên tích cực. Nếu bệnh nhân thuộc loại hình thần kinh yếu thì sau khi điều trị một thời gian không đỡ sẽ chuyển qua khám tâm thần.