February 7, 2009

Mật ong: Vừa là thực phẩm, vừa là dược phẩm

Mật ong là loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe quá quen thuộc của loài người, nhưng chưa chắc đã biết thấu đáo về nó.

Mật ong có mật ong rừng (hoang dã) và mật ong nhà (ong nuôi) và tùy từng vùng đất, tùy từng mùa hoa mà cho các loại mật theo tên gọi khác nhau, như mật ong hoa tràm, mật ong hoa nhãn, mật ong hoa vải, mật ong hoa cải dầu v.v... và dĩ nhiên là "mật rừng" tốt hơn "mật nhà" và thành phần, chất lượng mật mỗi vùng miền, mỗi loài hoa cũng khác nhau.

Có nhiều cách ăn mật ong khác nhau, với mật ong tươi ta có thể uống trực tiếp, hoặc có thể pha trộn với nước nóng, nước quả ép, sữa bò, sữa đậu, cháo... để uống, húp hoặc phết vào bánh mì, bánh bao, chấm bích quy... ăn. Khi pha trộn mật ong vào thực phẩm thể lỏng thì nhiệt độ thích hợp nhất là dưới 400oC (nói chung là ngang nhiệt độ môi trường) rồi uống. Không nên pha khi nước quá nóng, càng không pha dội nước sôi, và càng không chưng, đun mật ong để tránh phá hoại các Enzyme và vitamin trong mật ong, mật sẽ biến chất, trở thành chua loét.

Thời gian uống: Nói chung, thời gian uống mật ong thích hợp nhất là 1 - 1,5 giờ đồng hồ trước bữa ăn hoặc 2 - 3 giờ đồng hồ sau bữa ăn. Với người bệnh có vị toan quá nhiều (hyporchlorhydria) và viêm loét dạ dày, hành tá tràng, chỉ nên uống nước âm ấm pha mật ong vào trước bữa ăn chừng 1,5 giờ đồng hồ. Với người vị toan quá ít (hyperchlorhydria) hoặc viêm co dạ dày, nên uống nước nguội pha mật ong ngay sát nút trước khi ăn cơm.

Lượng dùng: Dùng trong bảo vệ sức khỏe thì người lớn mỗi ngày dùng 20 - 50g, nói chung không nên vượt quá 100g. Có thể dùng tăm bông (hay lông gà đã tẩy trùng) quệt mật ong bôi trên vết thương, vết bỏng, tránh nhiễm trùng, chóng lên da non. Sách có câu "Vật vô thiện ác, quá tắc thành tai" (mọi vật đều vô tội, dùng quá sẽ gây tai họa). "Quá" thì "Cố", nếu lượng dùng quá nhiều, vượt quá lượng đường chịu đựng của cơ thể, sẽ làm tăng mức đường máu, dễ gây nên các triệu chứng như tiêu chảy, phân loãng, chán ăn...

Những điều cần chú ý

Với những người thường đầy bụng, tiêu chảy không nên ăn mật ong. Sau khi ăn (uống) mật ong, tối kỵ ăn thổ phục tinh. Mật ong cũng kỵ ăn chung với hành, tỏi, gừng, rau hẹ, đậu phụ... bởi ăn chúng rất dễ gây tiêu chảy. Với người thể tạng dị ứng với mật ong (sau khi ăn mật ong trên mặt da nổi mẩn đỏ, lưng tấy ngứa ngáy, nôn mửa v.v...) và trẻ dưới một tuổi không nên cho dùng mật ong.

Mặc dù mật ong không phải là thủ phạm làm đường máu của người bệnh tiểu đường luôn cao, nhưng với người bệnh tiểu đường (diabetic) không nên ăn mật ong.

Cách dùng cụ thể đối với mật ong

Mật ong (phong mật - honey) vừa là thực phẩm vừa là dược phẩm, bất kể là dùng uống hay dùng bôi thoa bên ngoài đều có tác dụng bảo vệ sức khỏe, chủ yếu gồm có:

1. Tác dụng chung

Cải thiện giấc ngủ: Mật ong có dụng điều tiết hệ thống thần kinh, làm dịu bớt sự căng thẳng thần kinh giúp cơ thể dễ bước vào giấc ngủ. Với người mắc chứng suy nhược thần kinh, mỗi tối trước khi đi ngủ uống một thìa mật ong (mật ong hoa apple (táo tây) là tốt nhất) hoặc lấy 250g sữa bò tươi đun sôi để nguội, pha thêm hai thìa mật ong khuấy đều, uống hết, có thể cải tiến giấc ngủ ban đêm.

Thúc đẩy tiêu hóa: Mật ong có tác dụng điều tiết đối với chức năng ruột, dạ dày, làm quá trình nội tiết vị toan (hydrochloric acid in gastric juice) diễn ra bình thường, làm mất cảm giác đau ê ẩm hoặc đau rát dạ dày. Ăn mật ong trước bữa cơm chính 1,5 giờ đồng hồ, có thể ức chế nội tiết vị toan. Nếu ăn mật ong trước sát nút bữa cơm chính, thì có thể kích thích nội tiết vị toan (nước chua trong dạ dày). Với bệnh nhân viêm loét dạ dày và hành tá tràng có thể dùng nước sắc 6g trần bì, 10g cam thảo tươi để nguội pha 20cc mật ong khuấy đều, cũng có thể uống mật ong riêng rẽ, và riêng với người vị hàn (lạnh bụng) khi uống mật ong có thể pha vào vài giọt nước gừng tươi.

Hoãn giải chứng táo bón: Mật ong (nhất là mật ong hoa cải dầu, mật ong hoa trà và mật ong hoa tỳ bà) có thể làm tăng sự nhu động của ruột, dễ đi ngoài hơn, thường dùng cho người bệnh viêm kết tràng, táo bón quán tính.

Chống mệt mỏi: Thành phần đường (sugars) trong mật ong dễ được hấp thu lợi dụng, với người mệt mỏi về trí lực hoặc thể lực uống mật ong có thể giảm mệt mỏi, lấy lại sức rất nhanh.

Nhuận phổi cầm ho: Mật ong (nhất là mật ong hoa tỳ bà) có hiệu quả nhuận phổi cầm ho tốt, người ho do háo phổi có thể ăn loại "thuốc ho" tự chế: Quả lê ngọt gọt vỏ bỏ hột, thái lát mỏng dầm với mật ong, mỗi ngày vài lần, dùng trong một tuần liền là đỡ hẳn.

2. Tác dụng đặc thù

Thúc đẩy hấp thụ canxi: Với người trung cao tuổi, (nhất là phụ nữ) dễ mắc chứng loãng xương (osteoporosis), mỗi ngày uống một thìa mật ong kèm với viên bổ canxi (Ca), có thể làm tăng khả năng hấp thụ Ca của cơ thể, giúp xương chắc khỏe.

Điều trị chứng dị ứng phấn hoa: Mỗi ngày ăn một thìa mật ong, nhưng phải kiên trì liên tục điều trị trong hai năm có thể cải thiện chứng dị ứng phấn hoa, ngoài ra còn có thể chống được chứng hen phát tác.

Giảm chứng thống kinh: Chị em tới kỳ "đến hẹn lại lên", có người dễ mắc chứng thống kinh (dysmenorrthea - đau bụng kinh), trước khi đi ngủ uống một cốc sữa bò nóng ấm pha vài thìa mật ong, có thể làm lắng dịu, thậm chí mất hẳn nỗi khổ đau đớn bởi thống kinh.

Giảm béo: Ngoài ăn uống bình thường, nên uống thêm hỗn hợp một phần mật ong hòa bốn phần dấm trắng (pha loãng với nước lã đun sôi để nguội), uống vào lúc 20 phút trước bữa ăn sáng, 20 phút sau bữa ăn trưa, bữa ăn tối, mỗi lần 20ml (với người bệnh viêm loét dạ dày, hành tá tràng không nên uống); hoặc sáng ra sau khi ngủ dậy và trước 30 phút mỗi bữa ăn chính uống một cốc nước pha mật ong loãng, có tác dụng "ngang dạ", giảm khả năng thèm ăn, cân bằng đường máu, rất công hiệu với người béo do mắc chứng táo bón quán tính gây nên.

3. Mật ong dùng ngoài

Làm đẹp tóc: Gội đầu sạch bình thường, hong khô, dùng 20ml mật ong khuấy trộn đều trong 250ml sữa bò, xấp ướt tóc sau đó cào gãi (massage) da đầu, để ủ 15 phút sau gội sạch bằng nước lã, tóc sẽ mềm mại, bóng mượt.

Làm đẹp da: 1 phần mật ong pha loãng với 2 - 3 phần nước, mỗi ngày vài lần bôi thoa khắp phần da mặt rồi nhay xoa (massage) phát nóng lên, sau đó dùng nước ấm rửa sạch mặt; hoặc đập một quả trứng gà ra bát, đổ vào một thìa mật ong, đánh nhuyễn như kem, mỗi ngày vài lần bôi lên, thoa khắp phần da mặt rồi day xoa (massage) cho phát nóng lên, chờ khô tự nhiên, dùng nước âm ấm rửa sạch, có tác dụng dưỡng da, da láng bóng, mịn màng, xóa được vết nhăn làm chậm quá trình lão hóa da.

Khử dị ứng mỹ phẩm: Có chị em dị ứng với mỹ phẩm, nhất là khi dùng nhầm phải phấn son rởm, gây sưng tấy, ngứa xót, trước khi đi ngủ rửa sạch mặt, dùng tăm bông chấm mật ong bôi phết lên phần da dị ứng, sáng dậy rửa sạch, làm vài ngày sẽ khỏi.

Khử trùng vết thương: Trường hợp thương tích ngoài da (bỏng nóng, bỏng lạnh, cóng nẻ v.v...), lấy mật ong trộn với vaseline đánh nhuyễn thành cao mềm, bôi phết lớp màng mỏng trên chỗ vết thương, mỗi ngày thay một lần, làm chừng 5 - 7 lần là khỏi. (Chú ý che vết thương bằng gạc y tết chống bắt bụi).

Theo Tri thức trẻ